Thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang- Lô Lô Chải nằm trong số những dự án bảo tồn Làng Văn hóa truyền thống, đây là một trong những dự án có khả thi, đã thành công đi đầu và đang được phát triển rộng ra trên quy mô lớn về các địa bàn còn lại của tỉnh Hà Giang.
Có nguồn gốc từ lâu đời, hình thành từ khoảng thế kỷ XVII. Lô Lô Chải cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 25km, chính là vị trí dưới chân cột cờ Lũng Cú tức chân núi Rồng, xóm còn có một tên gọi khác nữa là Mù rỉ nỏ cho.

Làng gồm có 79 hộ với 374 nhân khẩu chủ yếu là người Lô Lô và người Mông. Trong đó có 69 hộ là người Lô Lô với 333 nhân khẩu còn lại là người dân tộc Mông chỉ có 10 hộ với 41 nhân khẩu.

Người dân sống trong làng Lô Lô Chải chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp lúa nước, chăn nuôi và trồng trọt các loại cây rau quả, ngoài ra họ còn có một số nghề thủ công như làm ngói, nghề mộc và thêu thùa trang phục cổ truyền.

Đặc sắc với một đám cưới truyền thống của người Lô Lô – cô dâu trong trang phục truyền thống

Không chỉ nổi bật là một ngôi làng ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú, Lô Lô Chải còn nổi tiếng là nơi có phong cảnh đẹp hài hòa, ngay bên cạnh thôn còn có một hồ nước rộng tầm 2.000m2.

Kiến trúc các ngôi nhà ở đây cũng còn giữ được rất nhiều yếu tố truyền thống của các ngôi nhà người dân tộc như trình tường, mái ngói máng…

Người dân tộc Mông và Lô Lô ở đây đến nay cũng còn lưu trữ được khá nhiều nét văn hóa trong phong tục tập quán của mình như các nghi lễ truyền thống là cúng tổ tiên, các vị thần linh, thổ công, thần rừng, mừng lúa mới… hay trong chính trụ sở làng văn hóa Lô Lô còn được lưu giữ một số nhạc cụ truyền thống của họ như Kèn Pí Lè, bộ hơi, Nhị, và quan trọng nhất là trống đồng gồm trống cái và trống đực – đây là một trong những vật linh thiêng nhất trong tâm thức của người Lô Lô, họ chỉ dùng nó vào những dịp quan trọng như các lễ hội thờ cúng trong năm.


Đội văn nghệ trong làng đang tập luyện múa hát để chuẩn bị biểu diễn


Hiện nay, người dân trong Lô Lô Chải còn rất tích cực chủ động tham gia các hoạt động văn hóa của làng bản mình, của tỉnh mình như chủ động lập một đội văn nghệ trong làng phục vụ cho bà con nhân dân và tham gia các cuộc thi lớn nhỏ các cập huyện, tỉnh Hà Giang.
Vũ Ngọc ( Tổng hợp)