Cao nguyên đá Đồng Văn trùng trùng điệp điệp với những khối đá rắn chắc, giăng mắc với nhau xây thành bức thành đá kỳ vĩ, góp phần bảo vệ sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Với những người đam mê du lịch khám phá, thì đây luôn là một điểm đến hấp dẫn bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ, khiến người đến không muốn quay về.
Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở độ cao trung bình 1.000 – 1.600m so với mực nước biển trên diện tích hơn 574km² trải rộng trên 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Đến với cao nguyên đá, du khách sẽ được tận hưởng cảm giác đặc biệt khi đi qua những cánh đồng thông đại ngàn, những con dốc quanh co, uốn lượn như những dải lụa; bất ngờ trước vẻ đẹp hùng vĩ, hoang dã của các khối đá, rào đá.

Cao nguyên đá Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển khác nhau; cùng hơn 70% là các dãy núi đá, rừng đá tai mèo. Nơi đây trùng điệp với đá và đá, nhà dựng trên đá rồi nhà xây bằng đá, trồng ngô rồi trồng lúa len trong những hốc đất nhỏ nhoi trong các kẽ đá, đến những dòng nước như vắt ra từ dòng suối nhỏ chảy ra từ núi đá ,…

“Sống trên đá” cụm từ thật ngắn gọn mà mang ý nghĩa thật sâu sắc. Chỉ đến đây, ta mới có thể thấm thía hết ý nghĩa của cụm từ. Để sinh tồn và phát triền cùng thời gian, con người nơi đây đã trở thành những chủ nhân biết thuần phục đá, biến những bất lợi của đá thành những ưu điểm cho sự sinh sôi trên miền đất đá này. Đi đến bất cứ nơi nào trong bản làng ta cũng có thể gặp những bức tường đá vôi chắc chắn bao quanh những ngôi nhà nhỏ nhắn, xinh xắn của người Mông.

Cách trung tâm huyện lỵ 15km là đỉnh Lũng Cú, nơi có lá cờ Tổ Quốc rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em Việt Nam đang sừng sững, hiên ngang trước gió ngàn biên cương trên độ cao 17m. Từ trên đỉnh Lũng Cú nhìn xuống là cả một vùng biên cương rộng lớn với những đỉnh núi cao vời vợi, cùng đó là dòng sông Nho Quế dắt qua như một dải lụa trắng làm màu cho thiên nhiên. Tất cả quyện lại vào nhau, tạo thành một bức tranh thủy mặc hùng vĩ, độc đáo.

Một phần không thể thiếu để làm nên nét văn hóa của cao nguyên đá là những buổi chợ phiên truyền thống mà đặc sắc. Du khách có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chàng trai Mông vai đeo chiếc khèn, tay xách lồng chim họa mi hay những cô gái trong trang phục rực rỡ, với gương mặt tươi rói, ánh mắt long lanh tại các phiên chợ.

Qua khu di tích lịch sử nhà Vương, du khách sẽ được tìm hiểu về tên tuổi của một dòng họ từng được phong vương cho vùng đất. Nhà Vương là sự sáng tạo, thiết kế tài tình của các nghệ nhân từ đầu thế kỉ 21 để tạo nên một vẻ đẹp tinh tế, hài hòa giữa trời, đất và con người. Khu nhà gồm 4 gian nhà ngang, 6 gian nhà dọc được chia làm Tiền dinh, Trung dinh và Hậu dinh. Tường nhà được xây bằng đá, trong có ốp ván, cột kèo gỗ, sàn lát gỗ, mái ngói máng, có hàng hiên lợp ống ngói. Tổng thể đây là một công trình kiến trúc tinh xảo với họa tiết thiết kế bắt mắt, độc đáo.

Khu phố cổ Đồng Văn cũng được xem như một di sản văn hóa, kiến trúc của cao nguyên đá. Đây là một không gian sinh hoạt, kinh tế, văn hóa, xã hội truyền thống, một không gian sống nguyên sơ, mộc mạc như bao đời nay của người dân bản địa.

Đến với cao nguyên đá Đồng Văn, đắm mình trong không gian bạt ngàn đá để thấy được sự vĩ đại, hùng tráng của thiên nhiên, thấy được tầm vóc lớn lao của non sống đất nước và cảm nhận, tận hưởng những cung bậc cảm xúc mà chỉ nơi đây ta mới có được, những trải nghiệm ý nghĩa mà nơi phồn hoa đô thị sẽ không bao giờ có. Vẻ đẹp là lạ của cao nguyên đá Đồng Văn khiến người ta đi rồi lại muốn đi nữa.